VĂN HÓA DU LỊCH – NGÀNH HỌC MỚI NHIỀU TIỀM NĂNG CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT
Trong năm học 2020 – 2021, Trường Đại học Đà Lạt xây dựng đề án mở mới 9 ngành đào tạo. Việc mở các ngành học mới dựa trên cơ sở khảo sát nhu cầu của thị trường lao động, đồng thời phát huy được những tiềm năng, thế mạnh của Trường về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất.
Những ngành học này hướng đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của xã hội, đáp ứng sự phát triển kinh tế xã hội đất nước, trong đó ưu tiên cho khu vực Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam Bộ. Vì vậy, cơ hội tìm kiếm việc làm của sinh viên tốt nghiệp các ngành này hết sức rộng mở.
Trong số các ngành học mới, không thể không nhắc đến ngành Văn hóa Du lịch. Đây là ngành học được xây dựng dựa trên nhu cầu về nhân lực Văn hóa Du lịch của đất nước nói chung, của Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nói riêng, nhất là dựa trên cơ sở Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2020 Phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 của Thủ tướng.
Quyết định này nhấn mạnh chiến lược: Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Phát triển đồng thời du lịch quốc tế và du lịch nội địa; đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch; tăng cường liên kết nhằm phát huy lợi thế tài nguyên tự nhiên và văn hóa; phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Mục tiêu đến năm 2025 tạo ra khoảng 5,5 - 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12 - 14%/năm; Phấn đấu đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12 - 14%/năm và khách nội địa từ 6 - 7%/năm.
Đến năm 2030 tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm, trong đó có khoảng 3 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 8 - 9%/ năm; Phấn đấu đón được ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa; duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 8 - 10%/năm và khách nội địa từ 5 - 6%/năm.
Như vậy, chiến lược cho thấy tầm quan trọng và sự cần thiết của việc đào tạo đội ngũ nhân lực có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực Văn hóa Du lịch để có thể khai thác các giá trị văn hóa dân tộc tạo thành sản phẩm du lịch, nhờ đó tạo nên sự cộng hưởng hai chiều: Bảo tồn văn hóa qua du lịch và phát triển du lịch nhờ các giá trị văn hóa dân tộc.
Để có thể xây dựng chương trình đào tạo vừa thiết thực vừa đem lại hiệu quả, trường Đại học Đà Lạt đã khảo sát nhu cầu nguồn nhân lực tại địa bàn, từ đó xây dựng đề án, chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ cơ hữu, liên kết với các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực Văn hóa Du lịch để tạo cơ sở tốt nhất cho việc đào tạo bắt đầu từ năm học 2021 – 2022.
Nội dung giảng dạy chuyên ngành tập trung vào khối kiến thức nền tảng là lịch sử văn hóa Việt Nam và khu vực (nghệ thuật, phong tục, lễ hội, ẩm thực, giao tiếp...). Trên cơ sở đó cung cấp khối kiến thức chuyên sâu liên quan đến lĩnh vực Văn hóa Du lịch từ nghiệp vụ (lữ hành, nhà hàng khách sạn, tour tuyến điểm...), quản lý (nhân sự, hành chính...) đến khai thác các sản phẩm (du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái....).
Bên cạnh đó, để nâng cao khả năng tiếp nhận công việc tại các cơ quan doanh nghiệp sau khi ra trường, chương trình đào tạo sẽ không thể thiếu các đợt ngoại khóa, thực tập nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng dưới sự hướng dẫn của các giảng viên, chuyên gia giàu kinh nghiệm.
Với thiết kế chương trình đào tạo hướng đến đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa, sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có kiến thức chuyên sâu nhằm phục vụ chuyên ngành Du lịch, đặc biệt là hướng dẫn viên vừa am hiểu về văn hóa vừa về du lịch giúp du khách hiểu hơn về đất nước, con người, văn hóa, phong tục tập quán,... ở khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt ở Tây Nguyên.
Ngoài ra, ngành học mở ra nhiều cơ hội giúp sinh viên có thể tìm kiếm việc làm tại các Công ty du lịch; Nhà hàng; Khách sạn theo những nghiệp vụ được học hay quản lý chuyên môn Văn hóa Du lịch tại các sở ban ngành, tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp, hiệp hội.... Đồng thời, sinh viên cũng có khả năng làm việc trong nhiều lĩnh vực, môi trường đa văn hóa đòi hỏi tri thức liên ngành, xuyên ngành như ngoại giao, tổ chức sự kiện, báo chí truyền thông...
Có thể khẳng định, việc trường Đại học Đà Lạt mở chuyên ngành Văn hóa Du lịch là một hướng đi phù hợp xu thế hội nhập toàn cầu hóa hiện nay, nhất là trong bối cảnh nguồn nhân lực chất lượng cao liên quan đến lĩnh vực Văn hóa Du lịch đang rất thiếu tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Và như thế, việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên chuyên ngành sẽ không trở thành nỗi lo lắng, sự trăn trở đối với thí sinh có nguyện vọng trải nghiệm thanh xuân và tìm kiếm tri thức Văn hóa Du lịch tại ngôi trường Đại học giàu truyền thống trên thành phố hoa Đà Lạt - thiên đường du lịch của Việt Nam. /.





